Nguyên nhân Đại khủng hoảng

Khủng hoảng kinh tế là một phần của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa do sự thiếu cân bằng giữa cungcầu. Mỗi trường phái kinh tế học có cách giải thích khác nhau về nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế.

Theo trường phái Áo, nguyên nhân bắt nguồn từ việc các ngân hàng nới lỏng cho vay vào thập kỷ 1920. Sự dễ dãi trong tăng tín dụng đẩy các ngân hàng dễ dàng cho vay, dẫn tới bùng nổ quá mức cung tiền ngay trước khi khủng hoảng, đẩy thị trường chứng khoán bùng nổ quá mức, ngân hàng cho vay quá nhiều, rủi ro quá mức không được quản lý. Khi thị trường chứng khoán sụp đổ, kéo theo sụp đổ dây chuyền của các thể chế tài chính do các khoản nợ xấu không đòi được.

Theo trường phái Keynes, cơ chế tự điều chỉnh của thị trường tự do không hoạt động được. Dù lãi suất giảm nhưng đầu tư không tăng được do kỳ vọng về tương lai quá bi quan.

Theo trường phái Marxist, khủng hoảng kinh tế là biểu hiện của sự mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tăng lên không ngừng, ngày càng được xã hội hóa và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ sự tích lũy tư bản, đầu tư mở rộng sản xuất liên tục dẫn đến mất cân bằng cung cầu. Nền kinh tế tư bản không thể tự điều tiết các nguồn lực một cách hợp lý dẫn đến khủng hoảng. Đại khủng hoảng là kết quả của sự tăng trưởng kinh tế sau thế chiến thứ I trong thập kỷ 1920. Trong giai đoạn này các công ty đầu tư phát triển sản xuất khiến nguồn cung tăng mạnh trong khi cầu tăng không tương xứng với cung. Hiện tượng này tích lũy qua nhiều năm dẫn đến khủng hoảng.

Theo trường phái của kinh tế tiền tệ (monetarist), khủng hoảng là do sự xiết chặt quá mức của cung tiền năm 1930, và rằng Cục dự trữ Liên Bang (FED) đã sử dụng sai chính sách tiền tệ, đáng lẽ phải tăng cung tiền, thay vì đã giảm cung tiền.

Một số lý thuyết riêng rẽ khác giải thích Đại Khủng hoảng:

  • Khủng hoảng nợ dưới chuẩn (Deft Deflation): Khi nợ bị đánh giá khó đòi, việc bán ra số lượng lớn với giá rẻ, làm cho tài sản nhìn chung lại càng mất giá, khiến các khoản nợ còn tồn lại càng giảm chất lượng (do tài sản thế chấp bị giảm giá). Vòng xoáy này như quả bóng tuyết càng ngày càng to, đẩy cả thị trường nợ và tài sản xuống, làm cho các thể chế tài chính và cá nhân trên thị trường vỡ nợ. Khi vỡ nợ nhiều quá, đẩy sản xuất và lợi nhuận xuống thấp, đầu tư đình trệ, việc làm mất và dẫn tới bẫy đói nghèo.
  • Sự bất công bằng trong giàu nghèo và thu nhập: Sự bất công bằng trong giàu nghèo được Waddill CatchingsWilliam Trufant Foster cho là nguyên nhân của Đại Khủng Hoảng. Sản xuất ra quá nhiều hơn khả năng mua của thị trường (vốn đa số là người nghèo). Lương tăng chậm hơn so với mức tăng năng suất, dẫn tới lợi nhuận cao, nhưng lợi nhuận lại bị rót vào thị trường chứng khoán, mà không phải đưa tới cho người tiêu dùng. Do thị trường chứng khoán tăng nhanh, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, FED lại để mức lãi xuất cho vay rất thấp, làm đẩy mạnh đầu tư quá mức. Nền kinh tế tăng nóng trong một thập kỷ, đến mức khả năng sản xuất quá cao so với mức hiệu quả và so với mức cầu. Như vậy, nguyên nhân của khủng hoảng là do đầu tư quá mức vào các ngành công nghiệp nặng thay vì vào lương và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nền kinh tế tăng quá mức hiệu quả và lạm phát quá cao.
  • Cấu trúc thể chế tài chính: Các ngân hàng bị cho là quá rủi ro, khi dự trữ quá ít, đầu tư quá nhiều vào thị trường chứng khoán và các tài sản rủi ro. Khối nông nghiệp thì quá rủi ro khi giá đất tăng quá cao, hiệu suất nông nghiệp thấp, trong khi nông dân đi vay quá nhiều để sản xuất, khi lãi suất đột ngột tăng cao thì họ lâm vào phá sản vì không thể sản xuất để trả lãi vay cao. Một số nhà kinh tế cho rằng nguyên nhân có thể là từ Bẫy Thanh khoản (khi các chính sách tiền tệ như giảm lãi suất và tăng cung tiền không thể thúc đẩy nền kinh tế).
  • Chế độ bản vị Vàng: Để chống lạm phát, các nước sau Thế chiến Thứ nhất áp dụng bản vị vàng (đồng tiền gắn chặt với một lượng vàng nhất định). Sốc bắt đầu từ vụ Sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng vì chế độ bản vị vàng mà khủng hoảng từ Mỹ lan rộng ra khắp thế giới. Chính vì các chính phủ tiếp tục giữ chế độ bản vị vàng, họ không thể đưa ra các chính sách tiền tệ nới lỏng để chữa khủng hoảng. Những nước nào thoát khỏi bản vị vàng sớm chính là những nước khôi phục kinh tế sớm.
  • Sụp đổ thương mại quốc tế: Do các nước châu Âu sau Thế chiến Thứ nhất nợ Mỹ nhiều, họ phải trả nợ hàng năm. Họ cũng xuất khẩu sang Mỹ để lấy ngoại hối trả nợ, đồng thời họ cũng nhập khẩu hàng từ Mỹ cho nhu cầu. Đến cuối thập kỷ 1920, nhu cầu nhập hàng Mỹ giảm do khủng hoảng và do thiếu tiền để trả nợ. Đồng thời khi hàng rào thuế quan của Mỹ tăng cao theo Luật Thuế quan Smoot–Hawley, xuất khẩu vào Mỹ giảm, dẫn tới các nước trên thế giới càng gặp khó khăn. thương mại quốc tế đình trệ càng làm cho khủng hoảng kinh tế năm 1930 thêm tồi tệ.
  • Chủ nghĩa bảo hộ
  • Dân số giảm, công dân nghèo không có tiền để mua hàng hóa

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đại khủng hoảng http://economics.about.com/cs/businesscycles/a/dep... http://www.fdrlibrary.marist.edu/gdphotos.html http://eh.net/encyclopedia/article/parker.depressi... http://www.mackinac.org/archives/1998/sp1998-01.pd... http://www.mises.org/story/2344 http://www.mises.org/tradcycl/econdepr.asp http://www.northstarcompass.org/nsc0903/amholomor.... http://www.secondworldwarni.org http://english.pravda.ru/world/americas/19-05-2008... https://www.pravdareport.com/world/105255-famine/